KHI NÀO THÌ CẦN ĐỔI SỮA CHO CON
Đổi sữa cho trẻ là chuyện rất thường gặp trong quá trình chăm sóc trẻ.
Thực
tế, có người dễ tính trong chọn sữa và đổi sữa cũng rất vô tư theo ý
thích hay theo những quảng cáo hấp dẫn trên tivi. Tuy nhiên, cũng có
người lại quá lo sợ không dám thay đổi. Hai trạng thái chọn sữa này đều
không sai nhưng không luôn luôn đúng.
Quyết định đổi sữa cho con cần cân
nhắc nhiều mặt: tuổi, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý, sự dung nạp và
thích ứng của cơ thể trẻ với những loại sữa khác nhau. Chọn loại sữa nào
đều không ra ngoài mục đích cuối cùng là thoả mãn và phù hợp với nhu
cầu sử dụng. Ở trẻ em, cần tăng trưởng về cân nặng, chiều cao, trí thông
minh, tăng cao mà không tăng cân nhiều,... Bên cạnh đó, loại sữa đang
sử dụng cần đạt những yêu cầu như phù hợp độ tuổi, khẩu vị, bé uống
nhiều, tiêu hoá tốt, đi cầu phân tốt,… Với nhiều loại sữa khác nhau trên
thị trường, chọn loại nào để dùng hoặc đổi sang nhãn hiệu nào phải hết
sức lưu ý:
Cần phù hợp độ tuổi của trẻ: trẻ dưới sáu tháng chỉ
nên dùng sữa công thức 1, nếu muốn đổi sữa (vì bé bú ít, không lên cân
hay táo bón nhiều, ọc sữa nhiều, đi tiêu phân không tốt…) thì phải đổi
sang nhãn hiệu sữa khác nhưng vẫn phải thuộc nhóm công thức 1, vì chức
năng thận còn non yếu của trẻ chỉ phù hợp với lượng chất đạm trong sữa
công thức 1. Trẻ bắt đầu tròn sáu tháng thì phải đổi sang sữa công thức 2
của cùng nhãn hàng của loại sữa đã sử dụng trước đó, vì lúc này chức
năng thận của trẻ tốt hơn nhiều và thích nghi được với sữa công thức 2
giàu đạm hơn, tương ứng với nhu cầu đạm gia tăng ở trẻ lớn. Trẻ trên một
tuổi có thể dùng nhiều loại sữa trong ngày, có thể dùng sữa tươi… Nếu
cần thiết, có thể thay đổi tuỳ theo khẩu vị, ý thích trẻ, hoàn cảnh gia
đình,…
Không nên đổi sữa thường xuyên với trẻ nhỏ: vì cơ thể trẻ phải
có một thời gian để thích ứng với loại sữa đó, nhằm có sự tiêu hoá hấp
thu tốt nhất. Mỗi loại sữa có thể tự tạo ra những môi trường vi sinh
đường ruột khác nhau. Khi đổi sữa sẽ làm thay đổi môi trường vi sinh
đường ruột, ảnh hưởng đến tiêu hoá hấp thu sữa và thậm chí các loại thức
ăn khác.
Đừng quá e ngại đổi sữa khi cần thiết: như với trẻ lớn,
khi bú sữa bị tiêu chảy hay táo bón thường xuyên, phân xấu, bú quá ít,
không lên cân…, chỉ cần chọn một loại sữa phù hợp tuổi, nhãn hiệu tin
cậy, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp với kinh tế gia đình. Sau
đó cho bé uống thử, theo dõi tiêu hoá hấp thu và sự phát triển của bé
để xác định sự phù hợp.
Có thể đổi sữa mới ngay lập tức mà không
cần giai đoạn chuyển tiếp: nếu trẻ vẫn thích nghi được, uống sữa mới
bình thường giống như sữa trước đó, đạt mục tiêu tăng cân, tăng cao
tốt…, việc đổi sữa khi đó thành công. Trong trường hợp bé bú hay uống ít
hơn, rối loạn tiêu hoá, không tăng cân,… thì cần có giai đoạn chuyển
tiếp: tiếp tục uống sữa cũ nhưng bớt đi một cữ mà thay bằng một bữa bú
sữa mới, sau đó mỗi 5 – 7 ngày, thay thêm một bữa bú sữa cũ bằng sữa mới
cho đến khi có thể thay thế hoàn toàn, để cơ thể có thời gian thích
nghi dần.
Tác động của một loại sữa với từng trẻ không phải chỉ
một ngày hay hai ngày là thấy ngay. Vì vậy, sau khi đổi sữa một thời
gian tối thiểu hai tuần thì mới có thể tạm đánh giá loại sữa đó có phù
hợp với trẻ không. Và một điều rất quan trọng, cần biết rõ những trục
trặc của trẻ là do sữa hay do thiếu uống nước, do thức ăn đặc không phù
hợp, cơ thể trẻ dị ứng, không dung nạp... Nếu đã thay đổi hai, ba loại
sữa mà vẫn không đạt mục tiêu mong muốn thì hãy nghĩ đến rắc rối không
phải do sữa mà do nguyên nhân khác. Trường hợp gặp khó khăn khi chọn sữa
hoặc đổi sữa, có thể đến tư vấn ở các bác sĩ dinh dưỡng.
Theo BS.CK1 Đào Thị Yến Thuỷ - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Theo: chamsocbe