Thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025”

UBND QUẬN CẦU GIẤY

TRƯỜNG MN HOA TRÀ MY II


Số:   /KH-HTM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

              Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Cầu Giấy, ngày 03 tháng 11 năm 2020

KẾ HOẠCH

Thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học

 giai đoạn 2020-2025”

Thực hiện kế hoạch số 3081/KH-SGDĐT ngày 21/09/2020 của Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội về thực hiện đề án “xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025”;

Thực hiện kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 18/08/2020 của UBND quận Cầu Giấy

Thực hiện Kế hoạch số 21/KH-PGD ngày 02 tháng 11 năm 2020 của Phòng giáo dục và đào tạo Quận Cầu Giấy.

 Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2020-2025.

Trường Mầm non Hoa Trà My II xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2020-2025, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:

          1. Mục đích:

Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

          2. Yêu cầu:

          - Việc thực hiện nhằm nâng cao các phẩm chất như: Lòng nhân ái, thương yêu giúp đỡ nhau, sống có nghĩa có tình, cần cù, kiên trì, trung thực, đoàn kết.

          - Phát huy vị trí, vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý, thầy cô giáo trong việc giáo dục thế hệ trẻ có ý thức vươn lên, khả năng tự học, cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học và tiến tới dạy học theo hướng tích cực.

          - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung phải đảm bảo thường xuyên, liên tục nhằm thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất.

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU:

                   - Xây dựng, niêm yết và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử căn cứ theo Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT, ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

          - Hàng năm có 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

          - 90% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ Công đoàn trường học, Đoàn Thanh niên, trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

          - Xây dựng trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường.

          - 100% các lớp được trang bị Bộ quy tắc ứng xử theo quy định.

          - 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

          - 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ Công đoàn trường học, Đoàn Thanh niên, trong nhà trường được bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và có năng lực tốt trong tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

III. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

            1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.

a. Nội dung tuyên tuyền:

            Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình và cộng đồng. Cụ thể:

          - Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học.

          - Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, gia đình người học, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.

          - Tuyên truyền về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong trường học.

          - Tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, yêu thương con người và truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc ta; nêu gương cán bộ, nhà giáo, nhân viên và người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử, các cá nhân điển hình, mô hình nhà trường thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa ứng xử.

b. Hình thức tuyên truyền:

          - Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên bảng tin, trang web trường và các phương tiện thông tin khác của địa phương, nhà trường.

          - Tuyên truyền thông qua cuộc họp, tổ chức cuộc thi, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về ứng xử văn hóa trong trường học cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền theo quy định của pháp luật.

          2. Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học.

          - Xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử dựa theo Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT, ngày 12/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh biết và thực hiện bộ quy tắc ứng xử.

          - Năm học 2020-2021 thực hiện:

                   + Niêm yết ở sảnh các văn bản cần biết góc phụ huynh học sinh.

                   + Niêm yết các bảng nhỏ tại phòng họp.

          - Thực hiện các bản cam kết với các bên có liên quan trong việc thực hiện quy tắc ứng xử.

- Đăng trên website, gửi đến các thành viên thông qua email, hộp thư điện tử.

          - Chỉ đạo bộ phận chuyên môn triển khai lồng ghép qua các buổi họp, học chính khóa, hoạt động trải nghiệm; Chỉ đạo bộ phận Công đoàn, Đoàn thanh niên, tổ chức sinh hoạt thông qua các cuộc họp, các hội thi của trường, triển khai trong các hội nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh, các cuộc họp phụ huynh lớp.

          -  Phát huy tính gương mẫu của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử; chú trọng xây dựng nhân cách người thầy. Đẩy mạnh giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; tạo nền tảng về nhận thức và hành động để xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong trường học.

3. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

          Giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh trong trường học; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với trẻ mầm non. Giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho giáo viên.

a. Nội dung giáo dục văn hóa ứng xử.

          - Bổ sung, hoàn thiện giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động chăm sóc giáo dục, trong chương trình giáo dục mầm non, lựa chọn các nội dung giáo dục trong các chuyên đề lễ giáo, ý thức bảo vệ môi trường … để hình thành và phát triển ở trẻ ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi (Lễ phép kính trọng, yêu thương thầy cô giáo, ông bà cha mẹ, anh chi em, bạn bè, thật thà, hồn nhiên. Lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của trẻ; giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè, chia sẻ yêu thương của trẻ.

          - Xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: văn hóa xếp hàng tại sân trường, nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (lao động sân vườn, giờ ăn, trực nhật...).

b. Đổi mới phương pháp, hình thức trong giáo dục văn hóa ứng xử.

          - Đổi mới phương pháp dạy học với phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”

- Chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch giảng dạy lồng ghép kỹ năng sống trong giờ học, giờ chơi, sinh hoạt lớp, dạo chơi ngoài trời.

          - Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, tổ chức đa dạng hình thức giáo dục ứng xử văn hóa, thể hiện tinh thần yêu nước, tôn trọng giá trị lịch sử truyền thống văn hóa tốt đẹp cho học sinh thông qua các ngày lễ ngày hội, các hoạt động tập thể.

          - Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục góp phần trong công tác thi đua xây dựng trường học văn hóa, văn hóa ứng xử, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh thiết thực, thường xuyên, hiệu quả trong mỗi năm học.

          4. Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử.

          - Xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn về năng lực ứng xử văn hóa cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

          - Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cán bộ Công đoàn, Đoàn Thanh niên.

          - Xây dựng chuyên đề, tài liệu, giáo dục, tổ chức các hoạt động về giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học để xây dựng đội ngũ nhà giáo gương mẫu, có lòng tự trọng, nhân cách và lối sống văn hóa.

          5. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử.

a. Về phía nhà trường:

- Chịu trách nhiệm xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh và phòng chống bạo lực học đường.

          - Xây dựng kế hoạch và tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ thông qua các hoạt động chăm sóc giáo dục, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trẻ trên tiết học, hoạt động vui chơi; nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục ứng xử văn hóa của cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường.

          - Rà soát, hoàn thiện, ban hành và triển khai bộ quy tắc ứng xử theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của địa phương; các chuẩn mực văn hóa, hệ giá trị cốt lõi để sử dụng tại nhà trường.

          - Tổ chức trao đổi về xây dựng văn hóa ứng xử trong các cuộc họp, sinh hoạt tập thể; gặp gỡ với gia đình học sinh để phối hợp, thông tin, xử lý trong quá trình tổ chức giáo dục, đào tạo.

          - Chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị, tổ chức trên địa bàn để tuyên truyền, xây dựng môi trường văn hóa, phối hợp tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong và ngoài trường học; biểu dương kịp thời cá nhân, tập thể có thành tích; nhân rộng điển hình nói lời hay, cử chỉ đẹp.

          - Xây dựng và phát huy hiệu quả trang thông tin điện tử của nhà trường, các hình thức phản ánh, trao đổi, thu thập, xử lý thông tin từ cán bộ, nhà giáo, nhân viên nhà trường, gia đình học sinh, các cá nhân có liên quan khác về văn hóa ứng xử trong trường học và trên môi trường mạng. Thiết lập cơ chế tiếp nhận thông tin, xử lý kịp thời, đạt hiệu quả giáo dục đối với các hành vi bạo lực học đường, vi phạm quy tắc ứng xử cần xử lý.

          - Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, giáo viên lớp trong việc tổ chức các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa, văn hóa ứng xử trong nhà trường.

          - Tổ chức xử lý các cá nhân có hành vi vi phạm bộ quy tắc ứng xử, công bố công khai kết quả xử lý các vụ việc liên quan.

          - Phát huy sự chủ động, sáng tạo của thầy, cô giáo, nhân viên, phụ huynh trong việc tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ vệ sinh các công trình công cộng, nhà trường, lớp học và cá nhân. Tổ chức cho học sinh trồng cây xanh trong khuôn viên nhà trường, tại địa phương trong dịp Tết trồng cây. Chăm sóc các di tích lịch sử địa phương.

b. Về phía gia đình:

          - Có trách nhiệm chính giáo dục văn hóa ứng xử, mẫu mực trong văn hóa ứng xử tại gia đình và cộng đồng.

          - Phối hợp với nhà trường cập nhật, trao đổi thông tin, tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học; tham gia tích cực trong các buổi họp, gặp gỡ trao đổi, xử lí các tình huống có liên quan.

          - Tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nêu gương cho học sinh trong ứng xử văn hóa.

          - Tôn trọng và tạo điều kiện để học sinh tham gia đầy đủ, hiệu quả, nghiêm túc kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường, nhất là các hoạt động liên quan đến xây dựng văn hóa ứng xử.

          - Phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường.

          - Phối hợp với nhà trường xây dựng và thực hiện các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong gia đình cho học sinh trong từng năm học.

c. Phối hợp với chính quyền địa phương

          - Để xác định nhiệm vụ xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là nội dung quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương; để có hướng chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.

          - Đưa nội dung xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trên địa bàn thành một trong các nội dung công tác của các đơn vị và được tổng kết, đánh giá hàng năm.

          - Huy động và sử dụng các thiết chế văn hóa tại địa phương, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa ngoài nhà trường.

          - Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa ứng xử trong nhà trường; có hình thức động viên khen thưởng; xử lý đối với CB-GV-CNV để xảy ra các vấn đề về bạo lực học đường, ứng xử thiếu văn hóa.

          - Phối hợp với chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương trong công tác tổ chức xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

          - Kinh phí thực hiện từ kinh phí chi thường xuyên hàng năm do nhà trường cấp theo dự toán hàng năm.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

             - Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tại đơn vị. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện Kế hoạch lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu mà Kế hoạch đưa ra.

            - Phát hiện và nhân rộng những tấm gương điển hình trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong đơn vị, tổ chức tổng kết khen thưởng hằng năm và đề nghị về các cấp biểu dương khen thưởng.

          Trên đây là kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020-2025” của nhà trường. Kế hoạch này sẽ được cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện ở từng năm học. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề phát sinh và được sự đồng thuận cao của Hội đồng sư phạm, nhà trường sẽ điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Đề nghị tập thể và các cá nhân của nhà trường thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này./.

 

Nơi nhận:

- PGD&ĐT Cầu Giấy (để b/c);

- CB,GV,NV toàn trường (để t/h);

- Lưu: VT.

HIỆU TRƯỞNG

Nguyễn Kim Anh


CÁC TIN TỨC KHÁC
25